Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

PHÁ GIÁ ĐỒNG BẠC ?

            Sau sự sụt giá của đồng đô-la Mỹ, đồng lire Ý Đại Lợi, đồng livre Anh Quốc, đồng yen Nhật Bản, và đồng pesete Tây Ban Nha, chúng ta được nghe Giám Đốc Ngân Hàng QG Việt Nam tuyên bố về sự cần thiết của việc phá giá đồng bạc. Ít lâu sau, tại Pháp, cựu Tổng Thống Giscard d'Estaing cũng đã gây một phản ứng mạnh trong công luận với đề nghị giảm trị giá đồng franc đối với đô-la Mỹ và mark Đức. Phá giá đồng bạc phải chăng đã trở thành một chứng bệnh truyền nhiễm mới ? Ảnh hưởng của nó đối với các nền kinh tế rất khác biệt như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Ý, Pháp, Nhật, và Việt Nam như thế nào ? Người ta cũng phải tự hỏi vì sao trong một thế giới đã có vẻ hoàn toàn quy phục "Thị Trường", nguời ta lại không để cho các quy luật trao đổi của thị trường quyết định giá trị tương đối của các đồng tiền với nhau ?

TRỊ GIÁ CỦA ĐỒNG BẠC TỪ ĐÂU RA ?

            Vì sao bạn mê tiền, và hùng hục chạy kiếm tiền suốt cả cuộc đời xuân xanh của bạn cho đến lúc xuống lỗ ? Có lẽ vì đồng bạc có một giá trị mà bạn không bao giờ ngờ vực ? Giá trị ấy từ đâu ra, do ai ấn định, và ấn định cách nào ?
Từ năm 1973, tiền tệ của đa số các nước giàu có trên thế giới được thả nổi, với một số giới hạn, như trường hợp của Cộng Đồng Âu Châu. Trị giá của đồng tiền, như thế, tùy thuộc vào sự tổng hợp của ba yếu tố :

1) Mãi lực của đồng tiền :

            Sở dĩ bạn mê tiền là vì bạn nghĩ rằng đồng tiền giúp bạn mua được cái đời sống mà bạn mong muốn, từ thức ăn thức uống cho đến xe cộ nhà cửa du hý ăn chơi, và, nhiều người tin rằng cả vợ con bạn bè v.v... nữa ! Đó là "sức mua" của đồng tiền. Giá trị của đồng tiền này đối với đồng tiền khác, trong điều kiện buôc bán tự do, thường trồi sụt để hướng đến một mãi lực tương đương giữa các đồng tiền ấy. Tức là làm sao để một số đồng franc nào đó đổi sang một số đồng đô-la nào đó đều có thể mua được cùng một số lượng hàng hóa. Giả sử lúc trước với 5 francs hay 1 đô-la anh mua được một cái bánh, bây giờ phải 6 francs, nhưng vẫn 1 đô-la, anh mới mua được cái bánh ấy, thì anh kết luận ngay rằng đồng franc đã sụt giá so với đồng đô-la.

2) Số lượng tiền lưu hành :

            Nếu nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho chạy máy in tiền và tăng gấp đôi số lượng đồng bạc lưu hành, thì giá trị của đồng tiền Việt Nam sẽ giảm đi phân nửa, và sau một thời gian, giá cả sẽ tăng gấp đôi.

3) Lợi tức đem lại bởi đầu tư và tiết kiệm :

            Khi các phó thường dân như bạn (và có lẽ cả tôi ?) đem tiền gửi trương mục tiết kiệm, thì món tiền ấy, cùng với những khối tiền to lớn của giới tài phiệt, liền được đem đi đầu tư vào những nơi mà người ta nghĩ là có lợi nhất. Giả sử tiền lời của tiết kiệm bằng mark cao hơn tiền lời của tiết kiệm bằng đô-la, thì các nhà đầu tư sẽ đem tiền của bạn đi mua mark. Theo luật cung cầu, khi nhiều người mua mark thì đồng mark sẽ lên giá, và đồng đô-la sụt giá so với đồng mark. Khi đồng mark đắt đến mức lợi nhuận mà nó đem lại (bằng tiền lời tiết kiệm) chỉ vừa bù lại sự chênh lệch trị giá giữa nó và đồng đô-la, thì người ta đạt đến sự quân bình : trị giá của đồng mark khi ấy chính là trị giá, được quyết định bởi thị trường đầu tư, của nó đối với đô-la.

Thuyết Dornbusch

tổng hợp ba yếu tố trên, và cho rằng :

- Trong ngắn hạn, các lãi suất tiết kiệm và đầu tư quyết định trị gía tương đối của các loại tiền với nhau. Không những thế, những tin đồn và dự đoán ít nhiều thuận lý về sự trồi sụt của các lãi suất nói trên cũng ảnh hưởng đến trị giá tương đối của các đồng tiền.

- Trong dài hạn, thì mãi lực quyết định trị giá tương đối giữa các đồng tiền. Trị giá được quyết định bởõi thị trường ban đầu chênh lệch với mãi lực của đồng tiền, nhưng nó sẽ được điều chỉnh để phù hợp với sức mua của đồng tiền ấy trong thị trường tiêu thụ thông thường.

CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CÁC NGÂN HÀNG QG VÀO THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ :

            Tùy luật pháp của mỗi quốc gia, chính phủ hoặc ngân hàng quốc gia có thể can thiệp vào lãi suất để ảnh hưởng trên trị giá đồng tiền, với một hiệu quả nhanh chóng, như đã nói. Ngân hàng QG cũng có thể bỏ tiền ra để mua chính đồng tiền của mình hay một đồng tiền "bạn" khi các đồng tiền ấy bị tấn công, tức là bị các nhà đầu tư bán đi, hay không thèm mua nữa (vì đem lại lợi tức kém hơn họ mong muốn). Tại Pháp có lúc người ta đã phải tiêu ra trong một ngày một số tiền tương đương với một phần ba ngân sách quốc gia của cả năm để giữ giá cho đồng franc.

            Một biện pháp phá giá ngoạn mục là tăng số lượng tiền lưu hành. Khi ấy, giá cả sẽ tăng, nhưng không tăng ngay, mà từ từ leo dần lên đến mức độ tương ứng với sự gia tăng của khối lượng tiền tệ. Trong một thời gian nào đó, giá cả chưa tăng kịp với sự gia tăng của trữ lượng tiền nên, trên lý thuyết, lãi suất tiết kiệm giảm. Các nhà đầu tư sẽ bớt giữ đồng tiền ấy, và trị giá của nó giảm đi . Tuy nhiên nhân hàng quốc gia có thể duy trì lãi suất cao để hạn chế điều này. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng lập tức dự đoán rằng đến một lúc nào đó, sự suy giảm của mãi lực của đồng tiền vừa được tăng khối lượng lưu hành, sẽ khiến cho đồng tiền ấy mất giá (cụ thể là giá cả tăng), nên họ đòi hỏi phải có lãi suất cao và/hoặc trị giá thấp của đồng tiền này, để tiếp tục giữ nó. Sự can thiệp của chính phủ hay ngân hàng QG cùng với những suy tính của thị trường trên các yếu tố này khiến đồng tiền có thể được đánh giá thấp hơn hay cao hơn trị giá "thực" của nó (được chấp nhận là dựa trên mãi lực).

ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ PHÁ GIÁ ĐỒNG BẠC :

1) Khi đồng bạc của một quốc gia sụt giá thì mãi lực của nó đối với các đồng tiền khác kém đi, nên hàng hóa của ngoại quốc mua vào sẽ đắt hơn. Ngược lại, mãi lực của các đồng tiền khác đối với đồng tiền bị sụt giá sẽ tăng lên, và hàng hóa bán ra ngoài sẽ rẻ hơn, vì được mua bởi những đồng tiền có mãi lực cao. Phá giá đồng tiền lợi cho xuất cảng, hại cho nhập cảng.

2) Đối với nền sản suất nội địa, phá giá đồng tiền khiến cho hàng nhập cảng đắt hơn, nên khuyến khích người dân mua hàng nội hóa, lợi cho các xí nghiệp, lợi cho việc tạo công ăn việc làm. Các xí nghiệp làm ra các mặt hàng xuất cảng đương nhiên là cũng được lợi, nhờ giá bán ra rẻ hơn, có sức cạnh tranh mạnh hơn, đối với hàng hóa của các nước khác, nên cũng tốt cho việc tạo ra công ăn việc làm.

3) Ngược lại, hàng nhập cảng sẽ đắt hơn, và những xí nghiệp bị bắt buộc phải nhập cảng máy móc hay nguyên liệu chẳng hạn, sẽ bị thiệt thòi.

4) Thêm vào đó, giá cả sẽ tăng, và trong một số trường hợp mãi lực của người dân sẽ giảm.

5) Đầu tư ngoại quốc có thể giảm, tiết kiệm quốc nội cũng có thể giảm, vì những lý do đã nói ở trên. Kết quả có thể là một sự thiếu hụt vốn đầu tư.

6) Phá giá đồng bạc có khi được coi như làm cho quốc gia nghèo đi (bớt đầu tư, mua hàng ngoại quốc đắt hơn, v.v...) và như một loại thuế trá hình (khi mãi lực của người dân suy giảm). Có một số trường hợp đặc biệt, như Hoa Kỳ, có khả năng giảm giá đồng đô-la, và coi đó chẳng khác nào như là "đánh thuế" tất cả những người giữ đô-la trên thế giới, bắt họ đóng góp cho nền kinh tế của mình !

TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM :

            Nếu Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ, thì trường hợp của Việt Nam cũng đặc biệt không kém:

1) Trước hết, cách "quản lý" vấn đề tiền tệ của Việt Nam đặc biệt kỳ quái : thông thường ít có chính phủ hay ngân hàng QG nào lại rêu rao suốt nhiều tuần trước là mình có thể phá giá đồng bạc, để rồi rốt cuộc lại không phá giá. Cách làm việc này đem lại mọi sự bất lợi : xáo trộn tiền tệ, giới đầu tư càng thêm ngại ngùng, dân chúng càng thêm mất tin tưởng vào chính sách tiền tệ khiến cho tiết kiệm đã kém lại càng kém hơn... Ngược lại không thấy có lợi gì cho nước nhà trong cách hành xử này, họa chăng chỉ có những lợi lộc kiểu mánh mung phe phái. Có thể giám đốc ngân hàng nhà nước đã thành thật cảm thấy nhu cầu cần phải giảm giá đồng bạc Việt Nam, nhưng ông không có quyền hạn để làm việc này, nên chỉ dám đưa ra trước công luận nhằm tạo một sự đã rồi. Sau đó, các áp lực đến từ nước ngoài trên các phe phái chia sẻ quyền hành ở Việt Nam đã mạnh mẽ đến độ ông phải lùi bước ? Người ta cũng không khỏi tự hỏi : ở Việt Nam những ai thực sự quyết định chính sách tiền tệ ? Một câu hỏi gần như không bao giờ phải đặt ra trong một nươc văn minh, vì đã có những định chế rõ ràng...

2) Vì sao có vấn đề phá giá đồng bạc Việt Nam ? Có những lý do để nghĩ rằng giải pháp này được đề ra trước sự thua lỗ của cán cân mậu dịch : trong tám tháng đầu năm 1996, Việt Nam đã nhập cảng nhiều hơn xuất cảng 3 tỷ 250 triệu đô-la (chưa kể hàng nhập cảng lậu). Như đã nói ở trên, giảm trị giá tiền có lợi cho xuất cảng, và bất lợi cho nhập cảng cũng như cho việc tiêu sài hàng ngoại hóa. Vì thế, trên mặt hình thức, phá giá có thể là một cách làm giảm bớt sự thất thoát tài chánh do nhập cảng nhiều xuất cảng ít. Tuy nhiên, một trong những điều khác biệt giữa Việt Nam với các nước đã giảm trị giá tiền tệ đã kể ở đầu bài, là Việt Nam chưa có một nền sản xuất mạnh. Vì thế, xuất cảng chưa chắc đã mạnh hơn nhờø đồng bạc sụt giá, vì hàng hóa dành cho xuất cảng thiếu phẩm chất và số lượng (dù rẻ cũng chưa chắc đã cạnh tranh được với hàng hóa nước khác). Số tiền phải tiêu dùng cho nhập cảng cũng chưa chắc đã giảm sút một cách thực sự hiệu quả vì nền sản xuất non kém của Việt Nam bắt buộc các xí nghiệp và tư nhân phải nhập cảng nhiều hàng hóa mà trong nước chưa làm ra được. Đó là chưa kể những nguyên liệu cần yếu cho kinh tế, bắt buộc phải mua của nước ngoài, với giá đắt hơn, vì đồng bạc Việt Nam giảm giá, giảm sức mua.

3) Một điểm khác biệt khác của kinh tế Việt Nam là sự yếu kém tiết kiệm và đầu tư nội địa. Giảm giá đồng bạc sẽ làm gia tăng khía cạnh tiêu cực này, vì nó làm cho người dân càng thêm mất tin tưởng nơi chính sách tiền tệ của chính quyền. Người dân sẽ càng thêm lùi về ẩn trốn trong các phương cách giữ tiền không có lợi cho kinh tế, như vàng và đô-la.

4) Sau hết, cần sác định đâu là động cơ chính của sự phát triển kinh tế : gia tăng tiêu thụ hay thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư ? Trong các quốc gia tiền tiến, phương thuốc cho căn bệnh trì trệ kinh tế thường là thúc đẩy tiêu thụ. Điểm khác biệt then chốt với Việt Nam là các quốc gia này có khả năng sản suất tương đối đầy đủ mặt hàng cho người dân tiêu thụ. Ngược lại, Việt Nam còn quá kém trong lãnh vực sản xuất, thêm vào đó sự tăng trưởng từng giai đoạn của lãnh vực sản xuất cho tiêu dùng nội địa chưa được điều hướng theo một kế hoạch thuận lý, mà dựa nhiều hơn vào sự chia chác giữa các phe phái cầm quyền. Vì thế, thúc đẩy tiêu thụ ở Việt Nam (phá giá, lãi suất hạ,v.v...) sẽ phần nào đồng nghĩa với "tiêu thụ hàng ngoại hóa", mang lại lợi nhuận cho các xí nghiệp ngoại quốc nhập cảng hàng hóa vào Việt Nam (một tỷ đô-la mà Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đưa vào quốc nội hàng năm một phần không nhỏ chỉ ghé ngang Việt Nam chơi chút rồi chạy ngay vào túi các chủ nhân ngoại quốc bán hàng vào nước ta).

KHUYẾN KHÍCH TIẾT KIỆM , GIẢM BỚT TIÊU THỤ

            Nếu một chính sách thúc đẩy tiêu thụ không thích hợp với Việt Nam thì có thể nghĩ là cần khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Cần nhắc lại rằng đầu tư ngoại quốc trong các thập niên 60 và 70 tại Nam Hàn và Đài Loan nhỏ hơn 5 phần trăm tổng số đầu tư tại các nước này (viện trợ Mỹ, 100 triệu MK mỗi năm cho Đài Loan chấm dứt năm 1965, và cho Nam Hàn : 270 triệu MK mỗi năm cho đến cuối thập niên 60 và 140 triệu MK sau đó, chấm dứt vào giữa thập niên 70, viện trợ kinh tế cho Nam Hàn từ 1953 đến 1962 bằng 8 % Tổng sản lượng QG, và từ 1965 tới 1974 bằng 4 % TSLQG). Điều này cho thấy sức mạnh của đầu tư nội địa tại các nước trên. Không phải ngẫu nhiên mà Đài Loan hiện trở thành một trong những nước có trữ lượng tiền tệ cao nhất thế giới : nước này, trái hẳn với điều chúng ta thường thấy tại các nước Âu Mỹ hiện nay, đã áp dụng một chính sách tiền tệ thúc đẩy tiết kiệm, với lãi suất cao, và đồng tiền mạnh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét